Hành trang vào nghề BA (Business Analyst) – Chuyên viên phân tích nghiệp vụ

BA (Business Analyst) có thể coi là một nghề có tuổi đời còn mới ở Việt Nam, so với những nghề khác của ngành IT. Đây là một trong nghề “hot” với cử nhân ngành Hệ thống thông tin quản lý.

Nếu bạn là một BA, bạn sẽ đi thu thập yêu cầu khách hàng, sau đó, thực hiện nghiên cứu, phân tích và đối chiếu với khả năng và quy trình hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó, bạn tiến hành hoàn thiện các tài liệu liên quan đến đặc tả yêu cầu và chuyển giao cho bộ phận kỹ thuật, công nghệ thông tin và cùng nhau đưa ra những giải pháp tối ưu nhất. Những giải pháp đó phải phù hợp với yêu cầu của khách hành, phù hợp với quy trình nghiệp vụ của doanh nghiệp, giúp giảm thiểu các chi phí và tận dụng một cách hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp. Cuối cùng, bạn sẽ là người hỗ trợ khách hàng/các phòng ban khác trong việc thiết lập những tài liệu liên quan đến đào tạo và hướng dẫn người dùng.

Được ví như người phiên dịch giữa khách hàng và doanh nghiệp, BA không chỉ đòi hỏi cá nhân phải có kiến thức vững vàng liên quan đến Công nghệ Thông tin, quản lý dữ liệu hay kinh tế, mà còn phải trang bị cho bản thân nhiều kỹ năng quan trọng không kém.

Kỹ năng phân tích

Một lập trình viên có thể hiểu rất rõ về ý nghĩa của những dòng code, nhưng lại rất lơ mơ trong việc hiểu rõ các ý muốn của khách hàng. Và ngược lại, khách hàng lại không thể biết được những mã code kia nghĩa là gì. Chính vì vậy, vai trò của một BA vô cùng quan trọng, họ sẽ là cầu nối thông tin giữa khách hàng và bộ phận phát triển phầm mềm. Họ không những có nhiệm vụ truyền đạt thông minh mà còn phải phân tích và tư vấn chọn giải pháp phù hợp cho cả hai bên. Vậy nên, khả năng phân tích, quan sát và đánh giá là điều kiện tiên quyết đối với thành công của một BA.

Kỹ năng giải quyết vấn đề

Một trong những rắc rối nhất mà một BA thường phải đồi mặt đó là: sản phẩm mà lập trình viên làm ra không giống với tưởng tượng của BA cũng như khách hàng. Hay những tình huống đơn giản hơn như: trễ deadline, mẫu thuẫn, khách hành liên tục thay đổi yêu cầu…Để đối phó với những tình huống như thế này đòi hỏi BA phải là một người nhanh nhẹn, bình tĩnh và có kỹ năng giải quyết vấn đề.

Kỹ năng giao tiếp

Công việc nào cũng sẽ yêu cầu người làm phải có kỹ năng giao tiếp, nhưng đối với một BA thì kỹ năng này lại vô cùng quan trọng. Bởi BA là người trực tiếp làm việc với khách hàng, tiếp nhận những thông tin và yêu cầu từ khách hàng. Trên cơ sở đó, BA sẽ truyền đạt thông tin lại cho các lập trình viên để xây dựng sản phẩm cuối cùng theo đúng yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra, khi phát triển một dự án, BA sẽ thường xuyên phải trao đổi với nhiều nhân sự thuộc nhiều vị trí khác nhau, từ giám đốc cho tới tester…

Để có thể trở thành một BA chuyên nghiệp, bạn sẽ cẩn cả một quá trình tiếp thu và trải nghiệm và về kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm. Ai đủ bản lĩnh và đam mê thì chắc chắn sẽ thành công.