LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH WHITE HAT HACKER?

Hiện nay, mỗi ngày có đến hàng ngàn cuộc tấn công mạng xảy ra trên khắp thế giới. Đây chính là vấn đề gây “nhức nhối” đối với các tổ chức, cá nhân. Sự tấn công đó do những thế lực đen tối gây ra mà không ai khác chính là những hacker “mũ đen”. Tuy nhiên, song hành cùng sự phá hoại đó vẫn luôn có một lực lượng trung thành bảo vệ và đối phó với nó. Không ai khác, họ chính là những “hiệp sĩ” trong giới bảo mật mang cái tên yêu kiều “White hat hacker”.

White hat hacker là ai? Họ làm gì?

White hat hacker là ai? Họ làm gì?

Từ xưa đến nay, màu trắng luôn được mệnh danh là màu của cái tốt và “White hat hacker” cũng là những người như vậy. Họ dùng những kỹ năng của hacker để chống hacker, với những kỹ thuật tấn công như: dò quét hệ thống; nghe lén; tấn công từ chối dịch vụ; tấn công máy chủ website; trộm mật khẩu, bẻ khóa mật khẩu; tấn công bằng tạo Virus; tấn công bằng SQL Injection; tấn công mạng không dây. Từ đó làm triển khai các giải pháp phòng chống và phục hồi hệ thống sau khi bị tấn công.

Tìm ra lỗi để sửa lỗi là một công việc không hề đơn giản. Vì vậy, hiện nay một số công ty công nghệ lớn như Snapchat, Dropbox, Tinder và Starbucks cũng đưa ra các chương trình với mức giải thưởng lên tới hàng nghìn đô la. Phương pháp này vừa giúp họ tuyển dụng được nhân tài, lại còn có thể bảo mật cho công ty.

Làm thế nào để trở thành White Hat Hacker?

Để trở thành White Hat Hacker, bạn phải nắm vững mọi thứ về máy tính bao gồm phần cứng, phần mềm và mạng. Chẳng hạn như cách khắc phục xử lý sự cố với hệ điều hành máy tính, tiếp theo là các kiến thức căn bản về mạng máy tính, cách cài đặt và cấu hình mạng trên các thiết bị router, switch… nắm rõ các khái niệm và cách triển khai mạng nội bộ (LAN), mạng diện rộng (WAN), mạng không dây (Wireless), các mô hình mạng OSI, TCP/IP; các bộ giao thức sử dụng ở các tầng khác nhau trong mạng máy tính: TCP, UDP, Telnet, HTTP…Tiếp đến là thuần thục quản trị hệ thống máy chủ (server) trên các hệ điều hành máy chủ như Windows Server, Linux, Unix.

Khi đã nắm rõ những kiến thức nền, người học sẽ tiếp cận với các kỹ thuật xâm nhập, giám sát, theo dấu và những kỹ thuật mang nặng tính xã hội khác. Cụ thể, đó là hành trình tạo ra trojan, backdoor, virus hoặc sâu máy tính. Ngoài ra, bạn còn được huấn luyện tấn công DDoS, gây lỗi tràn bộ đệm, cướp quyền kiểm soát hệ thống, phá hoại website, vượt tường lửa, né tránh IDS… Khi đã thấu hiểu các phương thức tấn công, bạn sẽ được học cách phòng chống, các kỹ thuật xây dựng tường lửa, hệ thống cảnh báo nhằm ngăn chặn và đẩy lùi hacker “mũ đen”…

Muốn trở thành một “white hat hacker” thực thụ, bạn cũng đừng quên các kiến thức về lập trình chẳng hạn như các ngôn ngữ C, Java, Perl, và đặc biệt là Python. Nó sẽ giúp ích rất nhiều cho việc khai thác cũng như vá lỗ hổng của các ứng dụng.

Hiện nay, các cuộc tấn công mạng xảy ra hàng ngày, các vụ hacker đột nhập vào hệ thống máy chủ tại sân bay, hay các vụ đánh cắp tiền trong thẻ ATM xuất hiện ngày càng dày đặc trên báo chí mỗi ngày cho thấy hệ thống an ninh mạng của các doanh nghiệp Việt Nam đang trong tình trạng báo động. Đây chính là cơ hội tuyệt vời cho những bạn trẻ đang ấp ủ giấc mơ tìm tòi, khám phá công nghệ thông tin.