Kiến thức, Kỹ năng
Những điều cần biết về Giám đốc thông tin CIO
Nếu như những thuật ngữ như CEO – Giám đốc điều hành hay CFO – Giám đốc tài chính đã quá quen thuộc với chúng ta thì không phải ai cũng biết và hiểu CIO là ai? Vai trò và chức năng của CIO là gì?
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cơ bản giúp các bạn sinh viên đặc biệt là các bạn sinh viên chuyên ngành Hệ thống thông tin quản lý hiểu rõ hơn về một vị trí nghề nghiệp được cho là cao nhất đối với những người hoạt động trong lĩnh vực này.
Giám đốc Thông tin CIO là người “có quyền – có lực”
CIO là ai?
CIO (Chief Information Officer) là người phụ trách về Công nghệ Thông tin trong một cơ quan hay một tổ chức. Trong bối cảnh công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì việc quản ly và phục trách CNTT của CIO đã trở nên vô cùng quan trọng. Có thể nói CIO là một trong những vị lãnh đạo cấp cao của một đơn vị doanh nghiệp.
Một CIO lý tưởng là người có thể đóng vai trò cầu nối giữa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với công nghệ thông tin, người có thể cùng ban giám đốc đưa ra những giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp khai thác được đầy đủ các tiềm năm của mình nhờ công nghệ đồng thời không ngừng gắn kết những lợi thế của công nghệ tới toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp.
Vai trò của CIO
Vai trò của CIO
Có thể thấy một thực tế, ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển, hoạt động thương mại được thực hiện trong hệ thống vận hành có tính chuyên môn hoá cao. CIO trở thành vị trí quản lý chủ chốt trong những chu trình kinh doanh gắn liền với công nghệ cao. Như vậy, một CIO thực thụ sẽ phải thực hiện những công việc dưới đây:
- Thiết lập chiến lược phát triển ICT (viễn thông và công nghệ thông tin), các dự án phát triển ICT, các nguyên tắc;
- Thiết kế, xây dựng, duy trì và khám phá hệ thống công nghệ máy tính;
- Quản lý và phân tích hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu;
- Quản lý hệ thống kiến thức;
- Quản lý hệ thống tài sản (thể chất, con người thông tin, tìm kiếm quan hệ bên ngoài…);
- Quản lý BPR (Tái cơ cấu quá trình kinh doanh – Business Process Re-engineering) và các sáng kiến, thực hiện cải cách;
- Giám sát, điều khiển, đánh giá tiến bộ của chiến lược và của dự án.
Nhiệm vụ càng nặng nề, vai trò càng lớn thì năng lực và khả năng lãnh đạo của CIO càng cần phải phát huy ở mức tối đa.
CIO cần những kỹ năng gì?
Để có thể đảm đương được những nhiệm vụ quan trọng, một CIO phải hội tụ ít nhất 3 yếu tố:
- Năng lực lãnh đạo;
- Hiểu biết sâu về công nghệ thông tin;
- Năng lực phân tích, xử lý thông tin.
Ngoài ra, như đã nói ở trên CIO cũng là một vị lãnh đạo trong công ty, nên tất nhiên CIO phải có những kỹ năng mang tính chuyên nghiệp như giao tiếp, phong cách và tư duy làm việc có tính hệ thống quy củ, đồng thời phải có sự nhạy cảm trong lĩnh vực chuyên môn.