Kiến thức, Kỹ năng
Kỹ sư hệ thống – Họ là ai?
Nói một cách đơn giản, kỹ sư hệ thống là những người quản lý toàn bộ hệ thống IT của một doanh nghiệp, tổ chức, có trách nhiệm đảm bảo khả năng hoạt động hiệu quả và liên túc của tất cả các dịch vụ liên quan đến IT. Tùy từng doanh nghiệp, mà một kỹ sư hệ thống có thể được gọi là System Engineer hoặc System Administrator.
Kỹ sư hệ thống làm những công việc gì
Ở những doanh nghiệp lớn, có thể sẽ có nhiều System Engineers và mỗi người sẽ đảm nhận một chuyên môn riêng, người quản lý dữ liệu, người quản lý mạng, người quản lý server…Còn ở những công ty quy mô nhỏ thì một Kỹ sư hệ thống có thể sẽ phải xử lý tất cả mọi việc, từ quản trị cho các hệ thống phục vụ end-user cho tới quản lý mạng LAN, WAN…
Có thể kể ra một số công việc cụ thể như sau:
- Tìm kiếm và triển khai các công nghệ mới để tăng hiệu quả lao động
- Kiểm toán hệ thống
- Cài đặt và cập nhật các bản vá lỗi của hệ điều hành, ứng dụng..
- Cài đặt và cấu hình phần cứng, phần mềm
- Đảm bảo an toàn và bảo mật của hệ thống mạng, hệ thống máy tính
- Đảm bảo hoạt động của toàn bộ hệ thống
- Xác định các nguyên nhân gây ra lỗi hệ thống và tìm cách khắc phục
- Trả lời các thắc mắc về kỹ thuật và hỗ trợ người dùng
- Chịu trách nhiệm thiết kế và triển khai các giải pháp Server / Storage.
- Thiết kế hệ thống và triển khai cho khách hàng.
- Thể hiện các giải pháp cho khách hàng.
- Triển khai tài liệu hướng dẫn cho khách hàng và các đồng nghiệp khác.
Làm sao để trở thành một kỹ sư hệ thống?
Điều đầu tiên và tiên quyết đó là bạn phải có kiến thức và bằng cấp liên quan tới kỹ thuật máy tính. Một số ngành học có thể kể đến như:
- Khoa học máy tính
- Kỹ thuật phần mềm
- Hệ thống thông tin quản lý
- Mạng máy tính
Ngoài ra, những ứng viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực này đều được các nhà tuyển dụng ưu tiên. Có rất nhiều cách để các bạn sinh viên ngành Công nghệ Thông tin có thể tích lũy kinh nghiệm từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường miễn là các bạn có năng lực thật sự.
Các kỹ năng cần có của một kỹ sư hệ thống?
Để có thể làm tốt công việc của một kỹ sư hệ thống, người làm cần có kiến thức sâu rộng về các hệ điều hành, cơ sở dữ liệu, các ứng dụng, hệ thống bảo mật, hệ thống lưu trữ, điện toán đám mây…
Thường xuyên phải làm việc với cường độ công việc cao và liên tục, đòi hỏi kỹ sư hệ thống phải có khả năng chịu đựng áp lức và bình tĩnh trong mọi tình huống để có thể khắc phục các vấn đề về lỗi hệ thống trong thời gian sớm nhất.
Kỹ sư hệ thống cũng phải liên hệ với các bộ phận khác để đám bảo tính hiệu quả của công việc nên khả năng giao tiếp và làm việc theo nhóm cũng được đánh giá rất cao.